Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu

Admin
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến mục tiêu “nông dân sản xuất nông sản chất lượng, ch

Chiều ngày 27/12/2021, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành NN&PTNT.

Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.

Cần thống nhất phầm mềm dữ liệu số NN&PTNT từ Trung ương đến địa phương để tránh lãng phí ngân sách - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ, với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý là 16,2 triệu ha, trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có 250.000 hộ gia đình hưởng lợi trên diện tích 6,5 triệu ha và 1.900 tổ chức Nhà nước là chủ rừng được hưởng lợi. Nếu thiếu công nghệ số thì sẽ rất khó khăn trong việc chi trả do địa bàn rộng... Gắn với chuyển đổi số, ngành đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và tiếp cận đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng bình quân khoảng 10 ha, còn khoảnh là 100 ha và tiểu khu là 1.000 ha. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng, kích thước diện tích, điều kiện tự nhiên, chủ sở hữu sử dụng, chất lượng rừng.
 
Ông Điển nhận định: “Đây mới chỉ là bước đầu trong việc chuyển đổi số và còn rất nhiều việc phải làm như: Tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp lại các cơ sở dữ liệu và quan trọng nhất là phải hướng đến người dùng. Đây chính là yếu tố để duy trì sự phát triển của hệ thống, tiến tới cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu để có tính ứng dụng cao trên thực tế”.
 
Một số ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 là khủng hoảng chung của toàn cầu nhưng cũng mang lại những bài học và cơ hội chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong NN&PTNT cần một tầm nhìn xa, lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai nêu ý kiến, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cần sớm có định hướng tổng thể từ Trung ương đến địa phương. “Nếu mỗi địa phương thuê một đơn vị tư vấn và sử dụng một phần mềm ứng dụng, sau này có phần mềm ứng dụng thống nhất chung toàn quốc thì những phần mềm mà các địa phương đang triển khai phải bỏ đi, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Vì vậy, cần có định hướng và xác định những nhiệm vụ trọng tâm như: Phân cấp và chia lộ trình để thực hiện tổng thể từ Trung ương đến cấp xã, giúp cho các địa phương có thể xây dựng kế hoạch thực hiện tốt”, ông Phong nêu ý kiến.
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi để hoà nhịp xu thế phát triển của đất nước. Theo đó, cần dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị trong ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.
 
“Chuyển đổi số trong NN&PTNT là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo, xóa bỏ cách làm cũ. Mỗi bước di chuyển cần thận trọng với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế. Chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải được số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh tham lam để rồi quá tải và lạc hướng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu ý kiến.
 
Đỗ Hương