Gỡ 'điểm nghẽn' công nghệ trong các trường đại học

Admin
Điểm nghẽn của các trung tâm trong trường đại học là nghiên cứu công nghệ nhưng khó chuyển giao vì không phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.

Tại hội thảo thúc đẩy mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) trong đại học tổ chức sáng 3/8 tại TP HCM, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ tới doanh nghiệp.

TS Diệp Nguyễn, Đại học Công nghệ Sydney cho rằng, Việt Nam có thể ứng dụng mô hình của Trung tâm chuyển giao công nghệ UTS Rapido tại Đại học Công nghệ Sydney. Trung tâm này được vận hành với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ doanh nghiệp nên họ hiểu rõ nhu cầu doanh nghiệp cần gì và nghiên cứu trúng. Cách này cũng giúp doanh nghiệp tận dụng được điều kiện nhân lực và thời gian nghiên cứu của trường đại học thay vì họ phải bỏ tiền đầu tư nghiên cứu từ đầu.

Tại Trung tâm chuyển giao công nghệ UTS Rapido vị trí giám đốc chuyển giao công nghệ của trung tâm cũng nên là người từng làm doanh nghiệp. "Việc phát triển đội ngũ nghiên cứu này giúp đại học giải quyết điểm nghẽn các công nghệ dày công thực hiện nhưng không có đầu ra do không phù hợp với nhu cầu thị trường", ông Diệp nói và cho biết ở UTS Rapido từ năm 2016 đến nay có hơn 25 chuyên gia nghiên cứu có tư duy về thị trường trong nhiều lĩnh vực.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: NVCC

 

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: NVCC

 

GS.TS Nguyễn Quốc Bảo, Đại học Nông lâm TP HCM thừa nhận, các nghiên cứu trong đại học đa số dừng lại ở nhiệm vụ khoa học, đăng báo... để tăng uy tín cho nhà khoa học, trong khi các nghiên cứu sản phẩm có thể thương mại hóa và xác lập tài sản bằng sở hữu trí tuệ chưa nhiều.

PGS Bảo cho rằng, nhà trường cần hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở tất cả các khoa và tạo môi trường để nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp xúc, gặp gỡ nhau nhiều hơn, giúp hai bên thảo luận các công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường. "Các trung tâm chuyển giao công nghệ trong đại học cần có khả năng định giá được các công nghệ của nhà nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi nhà khoa học khi chuyển giao cho doanh nghiệp", PGS Bảo nói.

Để hỗ trợ nhà trường vận hành hiệu quả các trung tâm chuyển giao công nghệ, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM (Sihub) sẽ hỗ trợ tư vấn mô hình hoạt động của các trung tâm này. Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub, đội ngũ chuyên gia tư vấn sẽ làm việc với các đại học để tìm hiểu hiện trạng các trung tâm chuyển giao công nghệ, các thế mạnh trong nghiên cứu, mô hình hoạt động của nhà trường... nhằm xây dựng chiến lược thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Theo ông Tước, các chuyên gia sẽ đánh giá các công nghệ thế mạnh của nhà trường dựa trên nhu cầu của thị trường để tư vấn trong chuyển giao công nghệ. "Sihub đã ký kết với 10 trường đại học tại TP HCM tham gia chương trình tư vấn để thúc đẩy hoạt động các trung tâm chuyển giao công nghệ", ông Tước cho biết.

Hà An

Theo VNExpress