Chuyển đổi số: Công cụ đắc lực cho quản trị quốc gia

Admin

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội vừa qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh, những khó khăn thách thức truyền thống và phi truyền thống trong dài hạn đã dần hiển hiện đang đặt ra áp lực tìm thêm động lực tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình trong bối cảnh già hóa dân số, biến đổi khí hậu... Trong đó, chuyển đổi số để hình thành một xã hội số nổi lên là một động lực tăng trưởng mới, trở thành một công cụ đắc lực cho quản trị quốc gia.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc làm sao để quá trình chuyển đổi số này không chỉ đảm bảo hiệu quả trong quản trị quốc gia mà còn đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị và an ninh kinh tế.

"Các nền tảng như Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp hành vi người dùng, mà các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên đáng sợ 'Chủ nghĩa tư bản giám sát'", đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu vấn đề.

Theo đại biểu, để giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã được nêu rõ tại Đại hội XIII, việc tập trung sửa đổi luật an ninh mạng, luật an toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin hoặc quyền riêng tư chỉ là bước đầu.

Đại biểu kiến nghị phải khẩn trương định hình thể chế để quản lý công dân trên xã hội số giống như với quản lý trong xã hội thực.

"Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số sẽ không thể mang hết ích lợi và hiệu quả cho nhà nước và người dân, không thể trở thành một động lực mới của tăng trưởng nếu chúng ta không có những ứng phó kịp thời trước các nền tảng mà mục đích của chúng được chủ nghĩa tư bản tô vẽ bằng những mỹ từ như 'kết nối và chia sẻ toàn cầu'", đại biểu Phạm Trọng nhân cảnh báo.

Trong khi đó ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần có hạ tầng công nghệ số của riêng nước ta để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát, bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia. “Nếu được Chính phủ đặt hàng, tôi tin rằng, đội ngũ kỹ sư tin học và công nghệ Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Góp ý về vấn đề thể chế trong chuyển đổi số, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương đánh giá, hầu hết khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này hiện nay còn rất hạn chế.

Để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, nhằm đạt mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ lệ kinh tế số trong các lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, "rất cần có một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh".

Minh Thư