Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở cho CĐS

Admin

Năm nay, tại Việt Nam, 04 đơn vị gồm Câu lạc bộ (CLB) Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Trường Đại học (ĐH) Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt - Hàn (VKU) thuộc ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Phennikaa (Hà Nội) và ĐH Cần Thơ cùng phối hợp tổ chức sự kiện. 

SFD 2022 là cơ hội giao lưu và kết nối giữa Cộng đồng Nguồn mở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNTT, các lập trình viên, chuyên gia quản trị mạng và sinh viên ngành CNTT của các trường ĐH/Cao đẳng tại Việt Nam. Hướng đến đối tượng sinh viên và câu chuyện khởi nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và trên toàn thế giới, các chuyên gia về phần mềm nguồn mở và khởi nghiệp có các bài chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn và các điển hình khởi nghiệp thành công.

Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở cho CĐS - Ảnh 1.

SFD 2022 mang đến góc nhìn của các chuyên gia về lĩnh vực ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở trong nhiều lĩnh vực trong thời CMCN 4.0 như các công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing) với các ứng dụng cụ thể trong các lĩnh vực thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất và phân phối sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ.

Với chủ đề "Mã nguồn mở cho cuộc sống số", SFD 2022  đã được các chuyên gia đến từ các tổ chức, DN, trường ĐH chia sẻ các  giải pháp nổi bật như: Giải pháp mã nguồn mở cho chính quyền số, ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh trong tương lai, khai thác tài nguyên giáo dục mở, ứng dụng phần mềm mã nguồn mở cho sự phát triển công nghệ blockchain, nền tảng Marketing Automation - Open Source, …

Theo PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU, SFD là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong Cộng đồng Nguồn mở Việt Nam. Sự kiện này mang đến cho giảng viên, sinh viên các trường ĐH nói chung và cộng đồng sinh viên VKU (với hơn 6.000 sinh viên) một tinh thần và cơ hội mới, đó là tinh thần đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở cho công cuộc chuyển đổi số (CĐS) hiện nay. 

Với chương trình đào tạo và phương pháp đổi mới, hiện đại, sinh viên VKU ngay từ năm 1, năm 2 đã có thể tiếp cận các công nghệ, tham gia các sân chơi học thuật để tạo ra các sản phẩm như thiết kế website, sáng tạo Robocar,… từ ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở.

Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở cho CĐS - Ảnh 2.

Thông qua sự kiện này, các trường ĐH sẽ thúc đẩy đào tạo, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mã nguồn mở, các em sinh viên sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều DN sản xuất và dịch vụ dựa trên phần mềm nguồn mở, công nghệ hiện đại là nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, là cơ sở để các em biến các ý tưởng của mình thành các sản phẩm, dịch vụ mới.

Bên cạnh phiên trình bày các giải pháp tại hội trường chung ở 3 điểm cầu, thì tại điểm cầu Đà Nẵng còn có phiên đào tạo chuyên đề đến từ các chuyên gia công nghệ của DN như: Web basic: Jsp/Servlet đến từ FPT Software miền Trung, Blockchain application development with solidity của Công ty Enouvo và công nghệ blockchain và các ứng dụng thực tế của Trung tâm VNPT-IT khu vực 3 dành cho hơn 300 sinh viên VKU và các trường ĐH trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Ngày hội SFD 2022: đổi mới sáng tạo bằng phần mềm tự do nguồn mở cho CĐS - Ảnh 3.

Tại điểm cầu Hà Nội và Cần Thơ cũng diễn ra các phiên đào tạo chuyên đề như: Hand-on-lab Container & docker (Bizfly Cloud), Python from zero to hero (VietOpenInfra), Hand-on-lab Ansible (VNPT-IT), Hand-on-lab CI/CD (FSOFT), Giám sát hệ thống bằng Icinga + Grafana (Netnam), blockchain and smart contract development (VKRO Holdings), hệ thống thư điện tử (iWay), dựng web/portal với NukeViet (VINADES), …

Cộng đồng Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam đã hưởng ứng ngày SFD từ năm đầu tiên (2004) và đến nay vẫn duy trì đều đặn hằng năm. Từ năm 2012, VFOSSA nhận trách nhiệm tổ chức và quảng bá ngày SFD với đối tượng chính là sinh viên công nghệ của các trường ĐH trên cả nước./.